Với nhiều lợi thế và ưu điểm, xu hướng sử dụng cốp pha nhôm cho nhà cao tầng là lựa chọn hàng đầu của các nhà thầu uy tín tại Việt Nam.
Do vậy từ những năm 2016 – 2017, cốp pha nhôm đã có nhiều cải tiến mới đáng được ghi nhận tại thị trường nước ta.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về những cải tiến.
Mình cũng tin chắc rằng, đó cũng là xu hướng cốp pha nhôm ở Việt Nam những năm sắp tới.
Xem thêm: Giải pháp cốp pha nhôm 2019: 5 năm nhìn lại
Nội dung chính:
#1. Chuyển từ tường xây sang tường bê tông
Thực ra hình thức này rất phổ biến ở các nước phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc.
Hầu hết nhà cao tầng ở nước ta là mô hình khung chịu lực. Kết quả của việc dùng cốp pha nhôm hoặc ván khuôn truyền thống là hoàn thành phần khung thô cho công trình.
Tường xây và các công tác hoàn thiện sẽ thực hiện sau đó.
Nếu chuyển toàn bộ tường xây (ở đây tường biên và tường ngăn căn hộ) sang bê tông và đổ toàn khối với khung chịu lực thì sẽ giảm tải khá nhiều công tác.
Vấn đề nằm ở chi phí!
Dĩ nhiên nhà thầu sẽ tính toán và cân nhắc việc điều chỉnh.
Xem thêm: Khắc phục hiện tượng nứt tường biên bê tông
Chọn giải pháp tường biên để đổ bê tông toàn khối. Theo mình do những nguyên nhân sau đây:
- Đẩy nhanh tiến độ bằng việc kết hợp giữa cốp pha nhôm và hệ sàn thao tác bao che bên ngoài.
- Giảm chi phí tô trát, tạo chỉ trang trí hoàn thiện.
- Tăng khả chống thấm đối với các khu vực biên (lo gia, ban công, cửa sổ,…).
- Dễ dàng thi công, lắp đặt hệ khung cửa sổ.
Từ thực tế trên đã kéo theo các xu hướng cốp pha nhôm tiếp theo…
#2. Chuyển từ hệ giàn giáo bao che sang hệ sàn thao tác tự leo
Có thể bạn cũng đã từng biết hoặc nghe nói về hệ leo ACS (Auto Climbing System).
Nếu nhìn vào công trình, bạn dễ dàng nhận thấy hệ khung này chỉ ở phạm vi 3-4 tầng đang thi công.
Phần bên dưới của tòa nhà gần như đã hoàn thiện và không có hệ bao che truyền thống.
Kết hợp với cốp pha nhôm thường có 3 loại chính:
- Loại 1: Đóng vai trò là hệ sàn thao tác kết hợp bao che.
- Loại 2: Làm cốp pha, sàn thao tác và bao che.
- Loại 3: Kết hợp giữa loại 1 và 2.
Tùy thuộc vào mục đích, cách thi công và nhà cung cấp mà hệ sẽ được đặt tên cụ thể. Chẳng hạn Kumkang có KSB, KGB,…; Formtech có SCC, …
Nhưng chúng có một số điểm chung nhất định, bạn có thể đọc thêm bài viết về cấu tạo cơ bản của hệ Climbing Systems.
Còn bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao nó là xu hướng:
- Giảm chi phí giàn giáo bao che, an toàn.
- Kết hợp với đổ toàn khối tường biên để tăng hiệu quả.
- Hoàn thiện: sơn, khung cửa,..sau khi đổ bê tông phần khung sàn 2-3 tầng.
#3. Chuyển từ tạo chỉ trang trí sau hoàn thiện sang tạo sẵn bằng cốp pha nhôm
Như trước kia, chỉ tường hoặc chỉ nước đáy dầm được tạo bằng khoan cắt thủ công sau khi tô trát. Thì gần đây, ván khuôn nhôm có thể đảm nhận việc này.
Có nhiều dạng, nhiều kích thước khác nhau, nên đôi khi cần sự đồng nhất giữa yêu cầu của chủ đầu tư và vật tư của đơn vị cung cấp.
Tạo chỉ tường biên bằng cốp pha nhôm gần như là yêu cầu bắt buộc khi thi công tường biên toàn khối.
Đặc biệt khi trong giải pháp ván khuôn có sự xuất hiện của hệ gang form, sàn thao tác tự leo.
Xu hướng này tiết giảm khá nhiều chi phí hoàn thiện, góp phần tạo nên những ưu việt vượt trội của hệ thống ván khuôn mới.
Xem thêm: Tạo gờ trang trí trên cốp pha nhôm
#4. Chuyển từ khung cửa sổ gắn sau thành gắn cùng lúc
Nếu đổ tường biên toàn khối và sử dụng hệ leo đẩy nhanh tiến độ thì áp dụng luôn xu hướng này luôn phải cân nhắc.
Thực tiễn đã có rất nhiều công trình sử dụng, mình có thể kể ra đây: Diamond, D’capitale, Sun Avenue,…
Nhưng hiệu quả thì còn tùy thuộc vào nhà thầu, nhà cung cấp và nhiều yếu tố khác.
Khung cửa – subframe, sẽ được đặt cùng cốp pha trước khi đổ bê tông. Điều này bắt buộc đơn vị cung cấp nhôm phải thiết kế mẫu nhôm để đáp ứng nhu cầu.
Theo đánh giá của mình, gắn subframe vào hệ ván khuôn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Chúng ta sẽ còn phải còn chờ thêm những giải pháp tối ưu hơn.
Đến đây, vậy bạn có thể hình dung công tác hoàn thiện sẽ được đẩy nhanh đến đâu rồi phải không?
#5. Chuyển từ cốp pha nhôm mặt biên sang Gang form
Gang form là hệ leo thuộc loại 2 mình đã nhắc tới.
Chính từ nhược điểm của ván khuôn nhôm là khó giải quyết “độ chính xác kết cấu mặt biên” và yêu cầu của các xu hướng kể trên.
Mình cho rằng đây là xu hướng cốp pha nhôm tốt nhất và là giải pháp ván khuôn điển hình trong tương lai.
Đặc biệt khi Gang form kết hợp cùng với hệ thống Climbing System.
Bởi nó có thể đáp ứng hết các điểm nối bật như đã nêu.
Xem thêm:
#6. Sử dụng cốp pha nhôm cho nhà ở và biệt thự
Tuy xu thế này không liên quan gì tới các xu hướng cốp pha nhôm mà mình liệt kê ở trên. Nhưng sử dụng cốp pha nhôm cho dự án nhà ở với quy mô lớn, tính trùng lặp cao là yếu tố cần cân nhắc trong bài toán giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ.
Nói cách khác, với nhà cao tầng cốp pha nhôm được tận dụng theo phương đứng thì ở đây sẽ dàn trải theo phương ngang.
Với sự phát triển của các dự án nghỉ, biệt thự liền kề trong thời gian tới, các nhà thầu sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc xu thế cốp pha nhôm này.
Xem thêm:
Lời kết
Trên đây mình đã liệt kê 6 xu hướng cốp pha nhôm điển hình trong thời gian tới. Hi vọng những dự đoán của chúng ta sẽ được chứng kiến trong những năm sau đó.
Đặc biệt, với sự ra đời của chuỗi siêu dự án Vincity vào năm 2019, sẽ đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của cốp pha nhôm và các giải pháp ván khuôn liên quan.
(Bài viết được cập nhật vào 13/04/2023)
chào bạn
bạn cho mình hỏi ở việt Nam các nhà thầu lớn thường sử dụng copha nhôm của hãng nào, họ nhập khẩu hay mua hàng trong nước , giá bán copha nhôm tính theo mét vuông hay kg .
Mình đang muốn tìm hiểu về lĩnh vực copha nhôm , Bạn chỉ giúp mình thêm 1 số thông tin nhé.
Cảm ơn Bạn nhiều.
Hi bạn,
Những hãng coppha lớn đang kinh doanh tại VN bạn có thể xem ở đây : https://coffanhom.com/co-bao-nhieu-cong-ty-coppha-nhom-tai-viet-nam.html
Về giá bán, họ sẽ tính theo mét vuông nhé.
Thanks bạn
Theo mình, nên bổ sung phương án cho thuê vào chủ đề này
Cảm ơn bạn, mình nghĩ mình sẽ bổ sung chủ đề này ở riêng một bài viết
Good idea !
Cảm ơn bạn
đúng vậy, mình đồng quan điểm với bài viết của tác giả. để mà chuyển sang sử dụng toàn bộ cốp pha nhôm thì cũng là sự đầu tư lớn đối với đa phần các công ty xây dựng tại VN mình.
Cảm ơn ý kiến của bạn. Coppha Nhôm hầu như chỉ phù hợp với các nhà thầu lớn. Vì chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Nhưng hiện nay phương án THUÊ cũng khá phổ biến.
Mình cũng có quan điểm này.
Năm vừa rồi, thấy nhiều dự án họ thuê nhôm, không biết giá so với mua thế nào
Tùy nhà cung cấp bạn ạ, khoảng 50-70% và tùy vào thời gian, số tầng, và hư hại nữa.
Làm sao thông kê được hư hại ta ?
Cái đó tùy vào hợp đồng, nói chung có cách hết đó bạn. Làm ăn mà ^^