Nói đến cốp pha nhôm mà không bàn về STB là một sự thiếu sót.
Đã khá nhiều lần mình có nhắc đến cái tên STB trong các bài viết trên blog. Đó chính là lý do mình muốn dành riêng một bài để giới thiệu về nó. Và khi kết thúc bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc như:
- STB là gì?
- Cấu tạo như thế nào?
- Vai trò ra sao?
- Có ưu nhược điểm gì?
Để bắt đầu nội dung chính, mình xin phép được dùng một phép vi von thú vị dành cho STB: “STB như ông tơ bà nguyệt”.
Bởi nó chính là cầu nối giữa cốp pha nhôm và ván khuôn gỗ.
Theo những gì mình quan sát, STB còn là bước chuyển giao công nghệ của các nhà thầu thi công.
Hầu như các đơn vị đều sử dụng phương án STB như một bước khởi đầu trước khi sử dụng cốp pha nhôm thay thế toàn bộ ván khuôn gỗ. Do đó có thể xem STB đóng vai trò kết nối giữa bên mua và bên bán. Không để bạn đợi lâu, mình vào luôn nội dung chính.
Nội dung chính:
STB là gì?
STB là viết tắt của cụm từ Steel Beam. Một cấu kiện bằng thép được dùng để liên kết giữa cốp pha nhôm và ván gỗ. Thường định bê tông theo phương đứng, đặt ở góc vách sàn hoặc vách dầm. Gần giống với vị trí của SC trong hệ ván khuôn.
Xem thêm: Cấu kiện cơ bản trong hệ cốp pha nhôm
STB được cấu tạo như thế nào?
STB được gia công bằng thép và không thể đúc toàn khối như các cấu kiện nhôm khác. Thường profile được hàn 3 cạnh để kết nối bằng nêm chốt với tấm nhôm phía dưới và 2 STB hai bên. Trên các cạnh này có thể xỏ la, đóng chốt.
Profile là cạnh liên kết giữa các cấu kiện nhôm liền kề. Thường có bề rộng 63.5mm, chiều dày 8.5mm. Trên profile có đục lỗ xỏ chốt và lỏ xỏ flat tie.
Xem thêm: Phụ kiện cơ bản trong hệ cốp pha nhôm
Cạnh còn lại ở phía trên được đặt một thanh gỗ 45×45 mm lồng vào bên trong. Có tác dụng đỡ ván gỗ và đóng đinh liên kết. Đây chính là sứ mệnh để STB ra đời.
Đối với STB dưới dầm thường có dạng L, cạnh gỗ sẽ được bố trí theo phạm vi mép trong của hình L theo hướng “ôm” lấy ván khuôn gỗ của dầm.
Vai trò của STB ra sao?
Đến đây bạn hình dung được vai trò và ứng dụng của STB rồi phải không? Ngoài mục đích chính là tạo mối liên kết giữa cốp pha nhôm và ván khuôn gỗ thì STB còn đóng vai trò trong việc tối ưu hiệu quả của ván khuôn.
Cùng với việc sử dụng cốp pha nhôm sẽ giảm thiểu khá nhiều vật tư, chi phí cho cẩu tháp, nhân công. Nâng cao tiến độ thi công bằng cách đổ toàn khối cột vách dầm sàn. Trong trường hợp nhà thầu chỉ có nguyện vọng sử dụng cốp pha nhôm cho cột vách thì STB là phương án không thể loại trừ.
STB có ưu nhược điểm gì?
Ưu điểm:
- Dễ thiết kế.
- Linh hoạt trong sản xuất và thi công hơn so với các phương án khác.
- Giá thành rẻ.
Nhược điểm:
- Bằng thép nên dễ bị rỉ sét, tuổi thọ kém.
- Dễ bị sai lệch kết cấu, mặt vách không thẳng (tỉ lệ không cao) do nhiều trường hợp không thể xỏ la hoặc neo chống.
- Khả năng tái sử dụng không cao.
Phạm vi áp dụng của STB
STB được sử dụng ở Việt Nam từ khá lâu, vào những năm 2011. Đây có thể nói là một trong những phương án mang lại hiệu quả cao nếu được ứng dụng trong các phạm vi sau đây:
- Chi phí đầu tư thấp.
- Số tầng dùng nhôm không quá 15 tầng.
- Công trình có kết cấu dầm sàn phức tạp, thay đổi nhiều lần.
- Có nhiều tầng thay đổi.
Trên đây là những chia sẻ về cấu kiện STB đã và đang sử dụng cho ván khuôn nhôm ở nước ta. Hi vọng đã mang lại cho bạn những thông tin bổ ích.
Xem thêm: Phương án kết nối cốp pha nhôm và ván khuôn gỗ
(Bài viết được cập nhật vào 13/04/2023)
Mình muốn hỏi cái từ STB có đúng là từ dùng chung trong mảng formwork để chỉ tấm kết nối giữa al-form và wood-form ko?
đúng rồi bạn, tùy vào mỗi đơn vị cung cấp sẽ đặt tên khác nhau