Có nhiều chuyện để bàn cãi xoay quanh vấn đề chọn phương án la cốp pha nhôm. Như cường độ chịu lực, khoảng cách, dùng hay bỏ, thêm hay bớt.
Nhiều khi để tối ưu chi phí chúng ta lại đề xuất những phương án “khác thường”. Thành ra “già kén kẹn hom”.
Có thể bạn không đồng tình nhưng chắc chắn bạn sẽ “thu về” không ít, sau khi xem qua quan điểm dưới đây của mình.
Nội dung chính:
Giảm kích thước la để hạn chế ngã đầu
Anh em công trường hay có suy nghĩ “thà thiếu hơn thừa” hoặc tô trát dễ hơn là đục mài. Nên trong một số trường hợp, để giảm khả năng bị ngã đầu vách hay đà biên thường chọn phương án giảm kích thước la 5 – 10 mm so với bề rộng kết cấu.
Xem thêm: Giải pháp hạn chế ngã ngọn cốp pha nhôm
Theo đánh giá của mình phương án này khá khả thi. Đặc biệt với kết cấu mặt biên.
Tuy nhiên khi áp dụng cho vách dùng nhôm (dầm sàn dùng ván), bạn sẽ gặp phải một vấn đề khá phiền não: La bị cong.
Tại sao như vậy?
Cũng dễ hiểu khi vách bị bóp đầu bởi hàng la có kích thước nhỏ hơn nằm trên đỉnh.
Nhìn vào những thanh la bị cong, trong lúc nghiệm thu sẽ có không ít người thốt lên: Cái quái gì vậy! Lắp sai la rồi, tháo ra lắp lại.
Ở đây chúng ta không dung túng cho sự cố lắp sai kích thước la mà nói nhiều hơn về phương án đã được chuẩn bị trước.
Vậy la cong có đáng lo?
Quan điểm của mình: Không đáng lo.
Bằng chứng là hiện tượng la bị cong (do bóp la, kéo đầu vách hay bị vướng,…) có ở hầu hết các công trình. Nhưng hầu như không xảy ra sự cố nào.
Nguyên nhân gây đứt la, phình vách, bề mặt bê tông không phẳng không xuất phát từ việc xỏ la cong.
Nói như vậy không có nghĩa rằng la bị cong hoàn toàn vô hại.
- Khó thi công: Phân biệt kích thước la, ép tấm,…
- Tạo ra sự nghi ngại: La cong không còn tác dụng.
- Bề mặt kết cấu không phẳng sau khi tháo.
- La có thể bị đứt.
Mình dừng lại ở mức độ nghiêm trọng: Bị đứt la (broken flat tie).
Mặc dù được cấu tạo từ thép cường độ cao, khả năng chịu uốn tốt. Nhưng khó đảm bảo nếu như chúng ta cố tình ép nó phải cong.
Đồng thời vô tình tạo ra lực lớn hơn lên các la giảm kích thước.
Tuy nhiên, không nghiêm trọng đến vậy …
… khi đổ bê tông, thanh la cùng tấm nhôm sẽ căng ra từ từ và ổn định trở lại.
Mình chỉ nêu ra vài điểm bất lợi như vậy để anh em cân nhắc khi lựa chọn giải pháp hạn chế ngã đầu vách.
Không để cập đến trường hợp được dự trù trước, la bị cong còn do nhiều nguyên nhân khác, như:
- Lớp la chân buộc phải cong để né thép chủ. Dẫn tới nhiều la khác phải cong theo, thậm chí sai lệch. kết cấu (thường thấy 5 – 7 mm).
- Sàn bị nở đẩy nhôm vào vách, khiến la vị cong.
Ghép la đôi để tăng cường khả năng chịu lực
Không ít trường hợp áp dụng phương án la đôi để đảm bảo khả năng chịu lực của la. Chẳng hạn:
- Vách có chiều dày, chiều cao đổ bê tông lớn.
- Bước la thưa.
- Xỏ bù cho vị trí không xỏ được.
“Được này thì mất kia”…
… khi sử dụng la đôi chúng ta không tránh khỏi tình trạng nở cốp pha nhôm vách.
Bởi khe xỏ la (~ 3 mm) không đủ cho chiều dày của 2 la ghép lại. Làm cho mỗi cạnh nối sẽ hở ra 2 – 3 mm, cộng dồn đến tấm cuối dẫn đến tình tạng không lắp được tấm.
Chưa kể, cạnh xỏ chốt dễ bị bám bẩn, độ nở càng tăng lên nếu như vệ sinh không kỹ.
Theo quan sát của mình, việc áp dụng la đôi tuy phổ biến nhưng số lượng không nhiều đến mức làm nhôm vách sai số vượt quá giới hạn cho phép.
Thường thì anh em công trường sẽ sử dụng linh hoạt để độ nở có thể kiểm soát.
Tuy nhiên thay thế toàn bộ la đơn bằng la đôi không phải hiếm gặp.
Vậy làm thế nào để xử lý độ nở cốp pha nhôm vách?
Nếu bạn đã chuẩn bị trước cho sự cố này thì không có gì đáng ngại.
- Thiết kế dự trù để cộng dồn độ nở vào một hoặc nhiều tấm vách ở vị trí phù hợp. Có bề rộng nhỏ hơn kích thước đúng một khoảng n*2.5 mm (n số đường la đôi).
- Thay vì sử dụng la ghép có thể sử dụng tấm vách có mật độ la dày hơn.
- Cũng có thể giảm kích thước tấm vách để giảm áp lực lên la đơn.
Nhưng nếu bạn không lường trước cốp pha nhôm vách bị nở thì làm sao?
Hơi khó, nhưng vẫn có cách giải quyết:
- Chèn ván vào vị trí cuối vách.
- Mài thêm lỗ la tại hiện trường để sử dụng nhiều la đơn.
Xem thêm: Sự cố đứt gãy la cốp pha nhôm
Ngại dùng la góc (angle/hunch flat tie)
Là tâm lý chung của dân thiết kế cốp pha nhôm. Anh em chúng ta thường “né” lựa chọn này. Do hạn chế của nó:
- Khó lắp dựng.
- Sản xuất phức tạp.
- Thiếu chuyên nghiệp.
Do đó, chỉ áp dụng trong những trường hợp bắt buộc.
Không có gì ngạc nhiên khi mình luôn nghiêng về la xiên hơn phương án tăng kích thước tấm nhôm. Nào ngờ “già kén kẹn hom”.
Nhắc đến tấm nhôm kích thước lớn bạn cũng hình dung được nhược điểm:
- Sản xuất, thi công khó khăn
- Dễ bị biến dạng, phình bê tông
- Thậm chí đứt gãy la
Xem thêm: Khắc phục sự cố phình bê tông vách
Thế nên, nếu phân tích “được mất” của từng phương án, chúng ta càng dễ dàng lựa chọn.
Lời kết
Mượn chuyện “xén”,”ghép”, “né” khi lựa chọn phương án la cốp pha nhôm, mình muốn chia sẻ cùng anh em một thông điệp: Hiệu quả của giải pháp quyết định bởi công tác chuẩn bị.
Đừng để “Già kén kẹn hom”…
… yên tâm! Trước khi kết thúc bài viết mình sẽ giải nghĩa của nó.
*Theo Từ điển tiếng Việt của nhóm tác giả Hoàng Phê, “Già kén kẹn hom” là câu tục ngữ có hàm ý kén chọn kỹ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý.
(Bài viết được cập nhật vào 27/08/2024)