Nếu như được hoàn thành đúng kế hoạch (năm 2014), Vietinbank Office Tower đã là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Nếu như cất nóc chậm hơn dự kiến (năm 2018) một chút, Vietinbank 68 đã là tòa nhất cao nhất Hà Nội.
Nếu như chủ đầu tư chuyển nhượng thành công, nhiều khả năng siêu dự án này sẽ không còn mang tên Vietinbank Tower. Và…
… có rất nhiều “nếu như” như thế.
Bởi hiện tại, sau hơn 8 năm thi công dự án chỉ vừa “lú” khỏi mặt đất. Sẽ còn rất lâu nữa để nó vươn lên không trung ở độ cao 365 m.
Dẫu thế nào, chúng ta vẫn hi vọng trong tương lai không xa Vietinbank Business Center Office Tower sẽ “an nhiên” ở vị thế vốn có.
Chuyện đó để sau hẳn bàn, giờ thì hãy cùng mình thử “dự đoán” biện pháp ván khuôn được sử dụng cho phần thân công trình…
Nội dung chính:
Thông tin dự án
- Chủ đầu tư: Vietinbank
- Chiều cao: 365 m
- Số tầng: 68
- Diện tích xây dựng: 300.000 m2
- Tổng mức đầu tư: 10.267 tỷ đồng
- Thiết kế kiến trúc: FOSTER
- Thiết kế kết cấu: HALVORSON
- Thiết kế cơ điện: DSA
- Thi công: Kumho (cọc khoan nhồi) Hòa Bình & Agrimeco (hầm, thân), REE (MEP)
- Quản lý giám sát: TURNER
- Khởi công: 2010
- Hoàn thành: …
Vietinbank Tower gồm 3 thòa tháp, trong đó:
- Tòa văn phòng (office tower): 68 tầng, cao 362 m.
- Tòa khách sạn (hotel tower): 48 tầng, cao 230 m.
- Tòa khối đế: 7 tầng, cao 47 m.
Sử dụng kết cấu liên hợp Bê tông & Thép, Exterior GRC Cladding.
Ở đây chúng ta sẽ tập trung vào phương án cốp pha mà Hòa Bình & Agrimeco đã áp dụng.
Sơ lược biện pháp ván khuôn phần thân Vietinbank Tower
Vì công trình chưa được hoàn thành nên mình sẽ cố gắng cô đọng đầy đủ các vấn đề liên quan đến phương án cốp pha, dựa trên tài liệu và thông tin sưu tầm được.
Do đó không tránh khỏi sai sót hoặc nhà thầu sẽ thay đổi biện pháp khi triển khai thực tế để phù hợp với hiện trạng và xu thế thi công.
Trước tiên mình sơ lược qua một chút về phương án thi công (construction method).
Tòa Vietinbank 48
Kết cấu chịu lực chính của tòa khách sạn là hệ bê tông cốt thép
- Lõi trung tâm thi công trước bằng công nghệ ACS
- Hệ cột vách dầm sàn bê tông cốt thép được đổ cùng lúc
- Sàn, thang bộ tại lõi trung tâm sẽ đổ sau
- Mặt ngoài các vách hình thoi sử dụng GRC lost form
Tòa Vietinbank 68
Chịu lực chính bởi hệ kết cấu thép kết hợp với hệ lõi bê tông cốt thép ở các góc toà nhà.
- Hệ cột vách dầm sàn, lõi thang bê tông cốt thép đổ cùng lúc
- Khung kết cấu thép được lắp dựng trước 4 tầng
- Sàn composite được thi công trước 1 tầng
- Sàn, thang bộ tại lõi trung tâm sẽ đổ sau
- Mặt ngoài các vách hình thoi sử dụng GRC lost form.
Điểm nhấn trong phương án thi công của dự án này là sử dụng vật liệu GRC. Được lắp đặt cho mặt ngoài các vách hình thoi và hệ thống dầm biên có hình dạng đặc biệt.
GRC là gì?
GRC (glassfibre reinforced concrete) là một dạng vật liệu xây dựng được sản xuất bằng phương pháp đúc khuôn và phun máy từ hỗn hợp cốt liệu mịn: Xi măng, cát sạch, nước, sợi thủy tinh kháng kiềm và các phụ gia hóa dẻo. GRC sử dụng để lắp ghép cố định tại chỗ hoặc sử dụng kết hợp làm ván khuôn thi công (permanent form hay lost form).
GRC còn được biết đến với các tên khác nhau như bê tông sợi thủy tinh, GFRC (Glass Fiber Reinforced Concrete), Composite Ciment Verre hoặc CCV, Fiber Beton, Fiber Takviyeli Beton và Glasfaserbeton.
Do được gia cố cốt chứa sợi thủy tinh kháng kiềm và các phụ gia hóa dẻo trộn trong lớp vữa xi măng, nên GRC có độ uốn và độ bền cao, có thể sử dụng cả với môi trường khắc nghiệt.
Và nổi bật nhất là khả năng “biến tấu” đa dạng, đáp ứng các chi tiết có độ khó cao về kiến trúc, kỹ thuật.
Bê tông sợi thủy tinh được coi là vật liệu thay thế nhiều triển vọng khi đảm bảo các tiêu chí: Khả năng đáp ứng tối đa về hình thức, nội dung.
Ngoài ra, đây còn là loại vật liệu thân thiện với môi trường, mức tiêu hao năng lượng thấp hơn nguyên liệu thô tự nhiên.
Nếu so sánh với bê tông thông thường, GRC có giá vật tư cao (4 lần trở lên). Nhưng giá nhân công thấp (3 lần trở lên) và thời gian hoàn thành ngắn (2 lần trở lên).
Trở lại với phương án cốp pha Vietinbank Tower, GRC được sử dụng ở dạng Permanent formwork (mặt dựng và ván khuôn cố định).
Biện pháp ván khuôn phần thân
Phương án cốp pha cho kết cấu bê tông cốt thép, HBC đã chọn bê tông sợi thủy tinh GRC, hệ leo ACS (Auto Climbing Systems), Gang form, cốp pha nhôm (Aluminum Formwork), cốp pha bàn (Table Formwork) và cả ván khuôn truyền thống (Traditional Formwork).
#1. GRC Permanent formwork kết hợp với ACS
Ván khuôn cho 3 lõi bê tông hình thoi của tòa văn phòng được sử dụng kết hợp giữa GRC mặt ngoài và hệ cốp pha trượt bên trong.
Có thể hệ Hòa Bình sẽ chọn giải pháp ván khuôn tự leo của Peri hoặc Doka. Dạng cốp pha mảng lớn có gắn hệ sàn thao tác tự leo bằng kích thủy lực.
Hệ này đảm nhiệm vai trò sàn thao tác cho ván khuôn của nó ở bên trong và phục vụ công tác lắp đặt GRC phía ngoài.
Các tấm bê tông sợi thủy tinh GRC vừa làm cốp pha vừa là phần hoàn thiện của công trình.
GRC được liên kết với hệ ACS bằng Anchor thông qua các couper. Và neo vào bê tông bằng các hook và bu lông neo.
Các mảng tường bê tông sợi thủy tinh được lắp dựng bằng cẩu tháp và hệ thống sàn thao tác bên ngoài.
#2. GRC kết hợp với Trational Formwork
Ở tòa khách sạn, GRC sử dụng cùng ván khuôn truyền thống ở mặt trong để đổ bê tông cho các vách hình thoi và hệ dầm cong mặt biên.
Hệ sàn phẳng bê tông cốt thép được thi công bằng cốp pha bàn cùng với GRC formwork cho dầm biên và sàn balcony.
Vì vật liệu GRC chưa phổ biến tại Việt Nam nên rất có thể Hòa Bình sẽ chọn một đơn vị liên doanh để cung ứng GRC như Amaccao hay VietGRC chẳng hạn.
Còn Table Formwork, rất nhiều nhà cung cấp có thể tham gia. Có lẽ Peri hoặc Doka sẽ là ứng viên sáng giá hơn.
#3. Cốp pha nhôm và gang form
Không như các dự án siêu cao tầng khác tại Việt Nam (LM81, Bitexco, Keangnam,…), Vietinbank Tower sử cốp pha nhôm và gang form với tỉ lệ thấp.
Phần do đặc thù kết cấu, kiến trúc. Phần do biện pháp mà nhà thầu lựa chọn.
Chiếm tỉ lệ không lớn nhưng phương án cốp pha nhôm khá phức tạp. Bởi hình dạng của cột vách, dầm sàn.
Cung cấp giải pháp gang form, ván khuôn nhôm cho Vietinbank Tower, có thể HBC sẽ lựa chọn Kumkang hoặc một đơn vị nào đó.
#4. Hệ cốp pha trượt ACS
Lõi trung tâm tòa Hotel Tower thi công bằng ván khuôn tự leo ACS. Được đổ trước 3-4 tầng so với hệ dầm sàn bên ngoài.
Hệ sàn và cầu thang bên lõi trong sẽ đổ sau bằng cốp pha nhôm.
Các lõi chịu lực RCC được thi công trước bằng công nghệ trượt là giải pháp thường thấy ở hầu hết các tòa nhà chọc trời.
Xem thêm:
Mời bạn xem qua Video mô phỏng biện pháp thi công của Hòa Bình.
Lời kết
Có thể cần phải vượt qua nhiều rào cản lớn để Vietinbank Tower đi vào hoạt động. Khi ấy chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng lại tính chính xác của biện pháp ván khuôn mà mình chia sẻ.
Dù dừng lại ở mức độ “DỰ ĐOÁN” nhưng mình tin rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin thực sự thú vị và bổ ích.
(Bài viết được cập nhật vào 27/08/2024)
tiếc rằng mọi người đang phải chờ đợi quá lâu…
chắc còn lâu nữa :)
Quá hay
thanks
Có tài liệu cho bài này ko cho em xin với
ko em nhé, a tự tìm hiểu mỗi nơi một ít. Có bao nhiêu viết ra hết rồi ý chứ