Khi sử dụng cốp pha nhôm để đổ bê tông toàn khối cho dầm nổi khu vực ban công (balcony) hay logia, bạn đã từng phân vân nên lựa chọn phương án nào không?
Mình đoán chắc chắn là có.
Bởi lẽ mình đã từng làm việc với nhiều nhà thầu cũng như nhiều đơn vị thiết kế khác nhau. Mỗi người lại có một quan điểm.
Thậm chí có nhiều ý kiến trái ngược.
Nếu như đặt câu hỏi:
- Vì sao phải làm như vậy?
- Còn có giải pháp nào khác hay không?
Thì những phân tích dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời hợp lý.
Nội dung chính:
Dầm nổi logia là gì?
Là một khái niệm kiến trúc. Ở đây mình sẽ không nêu định nghĩa cụ thể. Mời bạn xem hình dưới.
Trong thiết kế cốp pha nhôm, anh em còn gọi dầm nổi logia là gờ biên, lower upstand beam,…
Có chiều cao thường thấp hơn 300 mm. Khi hoàn thiện dầm nổi logia là nơi lắp lan can, rào chắn và ngăn nước.
Nếu không có biện pháp thi công hợp lý, sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến khả năng chống thấm của ban công, logia.
Vì vậy bạn càng phải thận trọng khi lựa chọn phương án thi công.
Phương án thi công dầm nổi logia
Chiều cao thường rất thấp nên gờ biên thường được chọn cách thi công như:
- Đổ bê tông hoặc xây gạch khi hoàn thiện.
- Đổ bê tông toàn khối với kết cấu bằng cốp pha nhôm.
Khi sử dụng cốp pha nhôm để thi công dầm nổi, lại có 2 phương án:
- Đổ cùng lúc (together pouring, together casting).
- Đổ trước (pre pouring, pre casting).
Bạn phân biệt được đổ trước và đổ cùng lúc chứ?
Để mình giải thích rõ hơn.
Bạn hình dung, phạm vi thi công (đổ bê tông) của chúng ta trong một tầng, từ cốt trên sàn 1 đến cốt trên sàn 2. Những hạng mục được đổ bê tông trong phạm vi này gọi là đổ cùng lúc, đổ ở cao độ cao hơn gọi là đổ trước.
Nói cách khác, đổ trước là đổ cùng với sàn, đổ cùng lúc là đổ lên trên sàn cũ.
Chỉ cần hiểu đơn giản như vậy để chúng ta tiếp tục.
Phương án cốp pha nhôm cho dầm nổi logia
Trong thời gian thiết kế và theo dõi nhiều dự án sử dụng cốp pha nhôm cho gờ biên, mình nhận thấy có 5 cách thức thường được các nhà thầu và đơn vị thiết kế lựa chọn.
Trên cơ sở đó mình chia thành 2 hình thức thi công: Đổ trước và đổ cùng lúc.
Dầm nổi đổ trước bằng cốp pha nhôm
Với lựa chọn này, chiều cao cốp pha nhôm dầm biên nâng lên một đoạn bằng chiều cao dầm nổi.
Tấm thành cho dầm nổi sẽ được “treo” trên không hoặc đặt trên các con kê.
Do đó độ chính xác thường không cao. Thậm chí dễ bị biến dạng nếu không được cố định chắc chắn. Và tụt bê tông khi chiều cao dầm lớn
Để hạn chế biến dạng, thường sử dụng V góc hoặc Flat tie giúp tăng độ cứng cho hệ cốp pha nhôm dầm nổi.
Bên cạnh đó có thể dễ dàng kiểm soát công tác đổ bê tông, ví trí kết thúc của dầm nổi.
Khi lắp dựng cốp pha nhôm cho vách có gờ biên kết giao sẽ bị cấn với gờ đã được đổ trước.
Do đó không thể sử dụng tấm vách chuẩn mà cần phải cắt chân tấm vách đứng trên dầm.
Điều này dễ gây sai sót cho thiết kế, gia công. Và tốn nhiều thời gian cũng như chi phí.
Thay vào đó, một số đơn vị cung cấp đã tư vấn giải pháp: Dầm nổi vẫn đổ trước bằng cốp pha nhôm nhưng cách chân vách một khoảng ít nhất 150 mm. Nghĩa là cắt kết nối giữa vách và dầm. Tạo khoảng trống để đặt tấm vách chuẩn vào đó.
Khoảng hụt này được fill lại ở công tác hoàn thiện.
Dầm nổi đổ trước bằng gang form
Khi đổ trước, tấm thành cho dầm nổi sẽ được làm bằng nhôm hoặc thép có cấu tạo đặc biệt. Mục đích tăng độ cứng và tính chính xác.
Với cách làm này có thể tiết giảm chi phí, thi công nhanh chóng. Và hạn chế tình trạng kín khí khi sử dụng cáp đậy đối với phương án đổ cùng lúc.
Quan trọng là giải quyết được sự cố thấm tại khe hở dưới chân dầm.
Tuy vậy nó vẫn có những nhược điểm nhất định, như:
- Tăng diện tích tấm main gang form.
- Khó kiểm soát cao độ bê tông.
- Khó tạo gờ, vát mặt cho dầm nổi.
Công tác defect cho dầm nổi đổ trước cũng khó khăn hơn. Thậm chí có thể bị thấm nếu như bị nứt tại các vị trí liên kết với vách.
Dầm nổi đổ cùng lúc bằng cốp pha nhôm
Khi lựa chọn phương án đổ cùng lúc, độ chính xác của dầm nổi logia rất cao. Đồng thời có thể tạo được chỉ trang trí, vát cạnh.
Đối với những công trình đòi hỏi tính khắt khe về thẫm mỹ hoặc cần đặt khung cửa cho dầm nổi thì lựa chọn giải pháp đổ cùng lúc là hợp lý.
Nhưng nó cũng có những điểm bất lợi:
- Cần thiết kế tấm nắp đậy dầm, phát sinh thêm chi phí.
- Khó đổ bê tông: Công nhân phải đổ thủ công.
- Khó kiểm soát khả năng thấm tại vị trí kết nối giữa chân dầm và sàn cũ.
Ở Hàn Quốc, nhà thầu rất ưa chuộng cách làm này. Vì sao, mình sẽ giải thích ở cuối bài.
Một số dự án Việt Nam, mình cũng đã từng thiết kế đổ cùng lúc tương tự.
Đối với dầm nổi cửa sổ (chiều cao lớn hơn 300 mm) sử dụng cốp pha nhôm đổ cùng lúc gần như là phương án bắt buộc.
Dầm nổi đổ cùng lúc bằng gang form
Cũng như khi sử dụng cốp pha nhôm toàn khối, với cốp pha leo gang form cũng có thể lựa chọn cách đổ gờ biên trước hoặc sau.
Nếu đổ cùng lúc cũng phải sử dụng nắp đậy.
Tuy nhiên theo quan điểm của mình, khi dầm nổi có chiều cao thấp (<150 mm) thì lựa cho cách đổ cùng lúc sẽ không mang lại lợi ích thiết thực.
Bên cạnh những hạn chế mình đã nêu như đối với cốp pha nhôm thì gang form còn phải thêm chi phí cho sepa tie, eno units,… Công tác chống thấm cho lỗ tie càng khó khăn hơn.
Do đó, nhà thầu thường sử dụng cách đổ trước.
Bonus dành cho người thiết kế
Cho dù lựa chọn phương án nào, đổ trước hay đổ cùng lúc cũng cần thống nhất giữa người thiết kế cốp pha nhôm và gang form.
Làm rõ các vấn đề:
- Lỗ liên kết nằm ở cao độ nào, bên trên hay bên dưới.
- Tấm cáp đậy, tấm thành dầm nổi do ai cấp.
Tránh những sai sót không đáng có về sau.
Ngoài ra, với phương án đổ trước khi sử dụng cốp pha nhôm bạn cần lưu ý bề dày của tấm bịt cuối dầm.
Thông thường tổng chiều dày của tấm bịt (bao gồm cả miếng sheet tăng độ dày đóng chốt) không quá 8 mm đối với nhôm và 6 mm đối với thép.
Bạn biết tại sao không?
Nếu như dầm nổi giao với vách, vị trí tấm bịt sẽ nằm sâu vào phạm vi của vách.
Mặc dù chưa có bê tông nhưng vẫn có thép chờ ở đó, nếu bạn làm tấm bịt như tấm cốp pha nhôm bình thường (63.5 hoặc 65 mm) thì nhiều khả năng sẽ vướng thép.
Với gang form bạn cũng nên kiểm tra.
Vì sao ở Hàn Quốc thường chọn cách đổ cùng lúc?
Ở đây mình chỉ nói là đa số, không phải là toàn bộ, bạn đừng hiểu lầm nhé.
Sở dĩ như vậy, theo mình có mấy lý do:
- Kết cấu ở Hàn Quốc khác nhiều với Việt Nam do đặc trưng khí hậu.
- Tỉ lệ gờ nổi logia rất ít so với cửa sổ.
- Trên gờ biên luôn có gờ trang trí, vát cạnh.
- Có biện pháp chống thấm ngay từ phần thô (waterproof method).
Lời kết
Theo quan điểm của mình, giải pháp đổ trước giúp tiết giảm chi phí và phù hợp với biện pháp đổ bê tông. Nhưng dễ mất nước, tụt bê tông, độ chính xác kết cấu không cao.
Tuy đổ cùng lúc có tính chính xác cao nhưng lại gây khó khăn cho công tác đổ bê tông. Tăng khả năng thấm nước nếu không kiểm soát được khe hở giữa chân dầm và sàn cũ.
Nói nôm na, thay vì lựa chọn đổ trước hay cùng lúc cho gờ logia sẽ đi giải bài toán hoàn thiện hay chống chấm.
Quan điểm của bạn thế nào? Hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới.
(Bài viết được cập nhật vào 16/09/2024)
– Theo e lựa chọn phương án nào cũng còn tuỳ thuộc vào phương thức hoàn thiện của bản vẽ thiết kế là điều khá quan trọng.
Nếu yêu cầu trát thì đổ trước hợp lý vì kích thước hình học cho phép sai số lớn ở mặt trên, nhưng ngược lại kiểm soát chất lượng bê tông và đảm bảo chống thấm
– Ngoài ra còn phụ thuộc và yếu tố hai bên cạnh lô gia có là vách hay k, chiều dài gờ nổi cũng liên quan đến chảy bê tông tự chui vào dầm nổi khi đổ cùng lúc
toi co 10 nam lam cotfa nhom tai han quoc jo toi muon nhan cong trinh thi cong cotfa nhom b co biet cty nao nhan ng ko
anh tham gia group “cộng đồng cốp pha nhôm” trên facebook nhé
Nhiều khi cũng ko để ý lắm vụ này
Giờ đọc xong để ý thêm anh nhé