Nở bê tông mặt biên hay ngã đỉnh vách biên là bài toán khó giải quyết đối với biện pháp thi công cốp pha nhôm toàn khối.
Liệu rằng khi tìm đến gang form vấn đề có được tháo gỡ.
Mình trả lời luôn: Khó, rất khó.
Vì sao mình nói như vậy?
Bởi nguyên nhân gây nên hiện tượng này không nằm ở gang form mà phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý cốp pha nhôm.
Khó đến mức độ nào? Cùng xem nhé.
Nội dung chính:
Hiện tượng “ngã ngọn” gang form là gì?
Nếu mình không giải thích, e rằng nhiều bạn sẽ lầm tưởng đây là hiện tượng đỉnh kết cấu bị sai lệch.
Đó chỉ là kết quả thôi bạn ạ.
Khác với cốp pha nhôm, hầu hết các trường hợp “ngã ngọn” gang form có thể phát hiện trước khi đổ bê tông. Khi mà độ nghiêng phương đứng của gang form vượt quá mức độ cho phép (thường lớn hơn 1cm).
Dĩ nhiên tường biên sau khi đổ bê tông sẽ bị ngã đầu nếu như không canh chỉnh gang form.
Ngã ngọn có thể xảy ra trên một khung, một mặt biên hoặc một vài vị trí cụ thể. Tùy vào độ sai lệch, nhà thầu sẽ có biện pháp xử lý và khắc phục hợp lý.
Nếu không sẽ gây khó khăn khi lắp dựng gang form tầng tiếp theo và cả công tác hoàn thiện sau này.
Ngã ngọn gang form do đâu?
Bạn cũng biết, khi lắp dựng thì vị trí, cao độ và cả biên độ gang form luôn được kiểm soát chặt chẽ bởi công tác trắc đạc.
Tỉ lệ sai lệch nằm trong sai số cho phép, thậm chí là không xảy ra.
Chưa kể, các biện pháp giằng kéo cáp để ổn định và hạn chế chuyển vị gang form luôn được áp dụng. Cụ thể:
- Kéo cáp dưới ở các lỗ cửa.
- Giằng cáp giữa các tấm đối diện.
Có thể xem cáp giằng là giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục hiện tượng ngã ngọn gang form cho đến thời điểm này.
Có phải bạn đang cảm thấy không gì mới mẻ?
Chính xác.
Đây là cách mà nhà cung cấp gang form khuyến cáo sử dụng. Và hầu như các công trình đều làm như vậy.
Nói đúng hơn là “chuyện đã cũ”.
Nhưng có rất nhiều trường hợp không xử lý được ngã ngọn gang form bằng cáp. Vì bản chất nguyên nhân không xuất phát từ gang form.
Mà là:
- Sai số (giãn nở) từ hệ cốp pha nhôm.
- Vô tình hay cố ý bỏ qua sai lệch trắc đạc.
Đó là hai lý do quan trọng bên cạnh những yếu tố:
- Siết eno (nắp chụp đầu la, đầu neo) không chặt.
- Cáp căng không đủ lực, lỏng, hoặc chất lượng kém.
Theo thông tin mình khảo sát, ngã đầu gang form phần lớn xuất phát từ nguyên nhân: Hệ cốp pha nhôm bị giãn nở.
Như vậy, thay vì giải bài toán ngã ngọn gang form, sẽ chuyển sang giải quyết giãn nở cốp pha nhôm.
Khắc phục hiện tượng ngã ngọn gang form như thế nào?
Bài toán xử lý nở sàn, nở vách cốp pha nhôm mình đã chia sẻ ở bài viết sự cố cốp pha nhôm.
Ở đây mình sẽ nói rõ hơn tại sao nở cốp pha nhôm lại ảnh hưởng đến gang form.
Sau khi gang form neo vào kết cấu, cáp được sử dụng để cố định, canh chỉnh gang form đúng biên bộ.
Cốp pha nhôm được lắp dựng đồng thời. Cho đến khi hoàn thành, các sai số gây ra do cốp pha nhôm bị bám bẩn, đóng lỏng chốt, cấu kiện cong vênh vẫn chưa được phát hiện.
Sai số cộng dồn đẩy ra biên.
Lẽ đương nhiên, gang form không tránh khỏi ảnh hưởng.
Câu hỏi đặt ra là, gang form đã cố định rồi tại sao bị sai lệch?
Để trả lời, theo mình có 2 nguyên nhân:
- Một là cáp căng lỏng lẻo.
- Hai là cố tình nới lỏng cáp cho gang form ngã ra, nhờ đó tấm cốp pha nhôm cuối cùng dễ dàng lắp vào.
Khi nghiệm thu phát hiện gang form bị ngã đầu thì chuyện đã rồi.
Không cách nào khác ngoài giải pháp siết chặt cáp để hạn chế chuyển vị.
Nhưng quả thật, rất khó để xử lý.
“Chuyện đã lỡ, đổ xong, ngã chỗ nào đục chỗ đó, tìm cách khắc phục ở tầng sau”.
Khắc phục thế nào đây?
Trở lại bài toán chống giãn nở cốp pha nhôm.
Mình từng chia sẻ rằng để cốp pha nhôm không bị nở sàn, cần phải:
- Lắp đúng trình tự từ biên dồn vào giữa.
- Đóng chặt chốt, không để bê tông tràn vào khe liên kết.
- Lăn dầu luôn cả cạnh xỏ chốt.
- Thổi rửa hạn chế bê tông bám bẩn vào cốp pha nhôm.
- Vệ sinh, mài sủi mảng bám cạnh nhôm trước khi lắp dựng.
- Và một số cách xử lý trong thiết kế cốp pha nhôm…
Lý thuyết là vậy. Thực tế, ít ai có thể kiểm soát các công tác được thực hiện trơn tru.
Bởi nếu làm “đúng quy trình” thì chậm tiến độ, phát sinh chi phí. Chưa kể ‘trên bảo dưới không nghe”.
Tuy nhiên, để “kéo đầu gang form” vào không phải là không có cách, để mình liệt kê giúp bạn.
Xử lý ngã ngọn gang form trực tiếp
Bạn có thể áp dụng các cách sau đây:
- Kéo cáp giữa các tấm gang form đối diện, hoặc kéo vào điểm tựa cố định.
- Chèn thêm lớp đệm vào vị trí Eno và gang form để ép khung vào trong.
- Kéo đầu gang form bằng sepa tie vào điểm cao nhất của nhôm bên trong.
Ở cách thứ 3 này bạn có thể liên kết sepa tie vào SC sàn như hình dưới:
Lưu ý, việc gia cố này tuy có hiệu quả nhưng bạn cần cân nhắc các vấn đề như:
- Khoan lỗ trên nhôm ảnh hưởng đến chi phí thuê, mua.
- Bề mặt đáy sàn.
- Vật tư, chi phí thi công phát sinh.
Mình cho rằng đây là giải pháp đáng quan tâm, nhưng bạn hãy thống nhất ngay giữa các bên ngay từ đầu.
Lời kết
“Ngã ngọn” gang form là sự cố khó tránh khỏi. Tuy nhiên mức độ sai lệch kết cấu vẫn thấp hơn rất nhiều so với thi công cốp pha nhôm toàn khối.
Để hạn chế ngã ngọn gang form cần giảm thiểu giãn nở cốp pha nhôm. Để khắc phục giãn nở cốp pha nhôm phải giải bài toán quản lý, giám sát. Để quản lý, giám sát hiệu quả lại phải…..
… cứ thế…
… quy trình xử lý khó tìm ra gốc rễ để giải quyết triệt để.
Thôi thì “sai thì sửa, chửa thì đẻ”.
Đó là quan điểm của mình. Còn bạn, kinh nghiệm của bạn đối với hiện tượng ngã ngọn gang form thế nào?
Nếu bạn thích bài viết này, hãy đăng ký tại form bên dưới để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất qua email nhé. Cảm ơn rất nhiều!
—–
Cập nhật ý kiến bạn đọc
Anh Nguyễn Thanh Thiện:
Trước đây mình có xài cáp để kéo đầu gang form nhưng vẫn bị nở biên do cáp dài có độ chùn và bị giản. Sau đó chuyển qua dùng sắt d10 hoặc d12 thì thấy ổn hơn.
Hạn chế sử dụng la thành biên để có thể kéo đầu gang form vào tới mức sai lệch thấp nhất có thể (chỉ áp dùng với đà biên có h < 500mm).
Vì khi đó đà biên sẽ bị bóp lại, defect mặt trong vẫn dễ hơn mặt ngoài và không ảnh hưởng tới tiến độ.
Anh Phạm Thuấn:
Khi lắp nhôm dồn từ giữa ra, G/F bị đẩy ra biên tầm 10mm. Để khắc phục, công trường đã sử dụng thanh thép 6mm kẹp vào giữa nắp eno và sườn dọc.
Mục đích giữ cho bề mặt gang form đúng theo kết cấu biên, chiều dày vách giảm đi 7 mm sẽ hoàn thiện sau.
Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, lên tầng trên sẽ cho lắp từ biên dồn vào giữa.
(… cập nhật…)
(Bài viết được cập nhật vào 16/09/2024)
Trước đây mình có xài cáp để kéo đầu gangform nhưng vẫn bị nở biên do cáp dài có độ chùn và bị giản. Sau đó chuyển qua dùng sắt d10 hoặc d12 thì thấy ổn hơn. Hạn chế sử dụng la thành biên để có thể kéo đầu gangform vào tới mức sai lệch thấp nhất có thể ( chỉ áp dùng với đà biên có h<500mm). Vì khi đó đà biên sẽ bị bóp lại, defect mặt trong vẫn dễ hơn mặt ngoài và k ảnh hưởng tới tiến độ.
quá hay! thanks ý kiến của anh
ko sử dụng la thành biên, để dùng cáp kéo cho “âm” vào…ý kiến này hay đó.
Mình bổ sung thêm thế này:
nếu dầm lớn tí, lực kéo cáp không bào giờ bằng lực của sepa tie.
Bạn nghĩ sao, nếu vậy dùng Sepa tie ngắn đi vài mm, vi dụ dầm rộng 300, dùng sepatie 297mm chẳng hạn. vẫn gia cố thêm cáp nha…
em nghĩ còn phụ thuộc vào sepa nữa