Theo thống kê của Blog Coppha Nhôm, tới 9/2019 công ty Hàn Quốc chiếm gần 70% trong tổng số các doanh nghiệp cung cấp tại thị trường cốp pha nhôm Việt Nam.
Bất chấp dự báo sụt giảm của ngành xây dựng trong giai đoạn từ 2018, nhiều doanh nghiệp vẫn lần lượt “không rủ” mà cùng nhau đến.
Họ thấy gì ở Việt Nam chúng ta?
… có lẽ điều họ thấy thì “phàm phu tục tử” như mình mòn mỏi cũng không nhận ra được.
Nội dung chính:
Vì sao cốp pha nhôm Hàn Quốc liên tục “đổ” vào Việt Nam?
Theo công bố ngày 25/6 của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hàn Quốc đứng thứ 2 (2,7 tỉ USD), sau Hồng Kông (5,3 tỉ USD), vượt Nhật Bản (1,9 tỉ USD) về FDI vào Việt Nam.
Nghe đồn, những doanh nghiệp làm nhôm cũng muốn “đớp” lấy cơ hội mà hầu hết các công ty rót vốn vào Việt Nam trông thấy.
Như:
- Nguồn lao động giá rẻ rất dồi dào, có kỹ năng, cần cù chịu khó.
- Có tầng lớp trung lưu và trẻ tuổi ngày càng tăng cũng như một nền kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh.
- Ổn định về chính trị của Việt Nam so với các nền kinh tế đang nổi lên khác.
- Các chính quyền Hàn Quốc (hiện nay là chính quyền Tổng thống Moon Jae-in với chính sách Hướng Nam Mới). Chú trọng phát triển quan hệ với Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nước được chú trọng nhất.
- Chính sách mở cửa tích cực của nhà nước Việt Nam với nhiều cải cách về thủ tục hành chính và ưu đãi thuế quan.
- Nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang chuyển vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam sau những tranh cãi liên quan tới việc Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc cho phép Mỹ thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
- Tác động từ Hiệp định Mậu dịch Tự do Việt-Hàn (FTA) có hiệu lực cuối năm 2015 cũng như nhiều thỏa thuận song phương và đa phương khác.
- Sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc dễ thích nghi với môi trường sống và làm việc ở Việt Nam hơn.
- Việt Nam đang trở thành một trung tâm thương mại với lợi thế về địa lý giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận các thị trường xung quanh dễ dàng hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực Đông Nam Á.
Và có lẽ, 2019 là năm mà các yếu tố thiên thời địa lợi trên được dung hòa.
Bởi vậy:
- Aluform (Miretech), Sungji tiếp bước đổ bộ Việt Nam.
- Kumkang quyết định xây nhà máy hơn 90 ngàn m2 ở Nhơn Trạch với công suất lớn nhất hệ thống.
- Và mới đây nhất, VGSI (thuộc GS E&C Hàn Quốc) cũng xây nhà máy sản xuất cốp pha nhôm ở Nhơn Trạch với 50 ngàn m2.
Nhắc đến GS, có gì đó khá quen tai với dân thiết kế cốp pha nhôm như mình.
… mình đoán bạn cũng vậy.
Vì GS là một trong những chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Nam Hàn.
Tiếp nối làn sóng đầu tư thứ nhất của các ông lớn “siêu to” trong ngành xây dựng như Posco, Daewon (1992). GS E&C cũng có mặt ở Việt Nam (2004) với các công trình giao thông:
- Tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (2004)
- Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (2007)
- Gói thầu EX6, EX7 thuộc Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (2009)
- Dự án Cầu Vĩnh Thịnh (2011).
Rồi hàng loạt dự án xây dựng dân dụng, nhà máy cho đến các dự án khu nghỉ dưỡng, nhà ở.
Và còn bất ngờ hơn khi biết GS lấn sân sang mảng cung cấp cốp pha nhôm.
GS toan tính gì tại thị trường cốp pha nhôm Việt Nam?
Chúng ta không còn lạ lẫm gì với mô hình khép kín của các công ty xây dựng. Chẳng hạn như cách mà Coteccons thành lập BM Windows.
Chắc chắn GS Industry Việt Nam (VGSI) cũng muốn tận dụng ưu thế của mình.
Cùng với các dự án quy mô lớn sắp được GS triển khai như: Xi Thủ Thiêm (Quận 2), Metrocity Long Bình (Quận 9), Zeitgeist (Nhà Bè),…
Phải chăng mâm cổ ” siêu khổng lồ” này được họ chuẩn bị để “mời” các đối tác sử dụng cốp pha nhôm trong tương lai?
Mình đoán ít nhiều cũng có cơ sở.
Cái bắt tay chiến lược với Hòa Bình vừa qua là một minh chứng.
Chúng ta đã đi quá xa rồi ý nhỉ… chuyện vĩ mô kinh tế có vẻ không hợp với Blog Coppha Nhôm cho lắm.
Thôi thì dẫu sao đây cũng là một blog, hãy để tác giả an nhiên với ý nghĩa của nó… BLOGGING!
GS là ai?
Thật sự mình cũng không quan tâm nhiều. Những gì mình biết về GS chỉ cô đọng được mấy thông tin đã nói trên.
Điều mình cảm thấy thú vị là họ đã chọn cách xây nhà máy sản xuất trước. Rất khác với các đối thủ còn lại.
Và hơn nữa, GS có bề dày kinh nghiệm thi công, nền tảng bất động sản bền vững. Nên khi lấn sân sang thị trường cốp pha nhôm thì có thể trở thành 1 đối thủ đáng gờm.
Vì đã trót yêu công ty cốp pha nhôm mà mình đang cống hiến nên có một chút gì đó lo lắng là lẽ đương nhiên.
Thôi thì, chuyện trọng đại để sếp lớn lo. Còn mình, nhà bao việc không nên “dư hơi”.
Nếu có rãnh chăng nữa mình chỉ “tám” chuyện cốp pha nhôm.
Liệu cốp pha nhôm GS có vượt trội?
Sẽ không có gì bàn cãi khi nói về chất lượng phôi nhôm Hàn Quốc mà GS sử dụng.
Mình dự đoán khi “sinh sau đẻ muộn” họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển sản phẩm. Dựa vào:
- Kinh nghiệm thi công cốp pha nhôm tích lũy hàng nhiều thập kỉ
- Là đối tác lớn của các nhà cung cấp cốp pha nhôm Hàn Quốc
- Đầu tư dây chuyển sản xuất mới dễ dàng cải tiến, thay đổi modun.
Để thỏa chí tò mò mình đã cố gắng đi tìm câu trả lời.
Quả nhiên, người GS đã “vỗ ngực” tự hào rằng: GS sẽ cải thiện được những khuyết điểm mà cốp pha nhôm đang mắc phải. Cụ thể
- Tấm vách chuẩn gia cố gân dày lên bởi 2 dải tăng cường dày 6 mm trên tấm vách.
- Tấm vách chuẩn cao 2650 mm cho phù hợp với Việt Nam thay vì 2450 như Hàn Quốc
- Tấm sàn bố trí xương theo đúng phương chịu lực
- Kích thước xương sau khi hàn bằng mặt với profile cũng như bố trí tương thích với vị trí gông chống để tăng khả năng chịu lực.
Nghe thì có nhiều điểm khác biệt thật. Mình mường tượng những thay đổi này đã từng nhìn thấy ở đâu đó.
Có thể là cải tiến mà các công ty mới nổi tại thị trường cốp pha nhôm Trung Quốc, Ấn Độ,… áp dụng.
Bạn còn nhớ hình dưới đã từng được mình chia sẻ trên Cộng Đồng Coppha Nhôm Việt Nam:
Chúng ta hãy cùng chờ xem sản phẩm của GS có thật sự sẽ mang lại hiệu quả hay không.
Quan điểm của mình là cần nhiều thời gian để kiểm chứng.
Còn có lời đồn nữa mình vừa nghe được, đâu đó giữa tháng 10/2019, GS sẽ tổ chức ra mắt sản phẩm. Dù rất muốn “tỏ mục sở thị” để có cái review với anh em. Nhưng…
… tình yêu của mình không cho phép.
Thôi thì sẽ góp nhặt thông tin, hình ảnh, tài liệu giới thiệu đến anh em sau. Cùng chờ nhé!
Trở lại với câu chuyện “thôn tính” thị trường cốp pha nhôm của mấy công ty Hàn Quốc.
Bạn thấy đó, sự xuất hiện của không ít đơn vị chứng tỏ nước ta hứa hẹn tiềm năng. Góp phần xóa tan nghi ngại về chu kỳ lặp lại của bong bóng bất động sản.
Ở góc độ nào đó, khi có quá nhiều đối thủ nước ngoài cạnh tranh lại là cơ hội để các công ty cốp pha nhôm trong nước khẳng định vị thế của mình. Hoặc ít nhất là tìm kiếm phân khúc riêng.
Liệu rằng những công ty có mặt sớm hơn như Kumkang, Hyundai, Sammok có nao núng?
Có!
Mình nghĩ vậy…
… chẳng phải sản phẩm càng ra đời sau thì càng lợi hại hơn sao.
Nhưng mình tin rằng hơn ai hết họ đã sớm nhận thức được chuyện này.
Dựa trên kinh nghiệm về am hiểu thị trường, nhân lực và nền tảng vật tư, những công ty cũ sẽ không bao giờ chịu lép vế trước đối thủ, cho dù là đồng hương.
Lời kết
Mặc cho Hàn Quốc có chiếm lĩnh thị trường cốp pha nhôm thì ngành xây dựng chúng ta vẫn được lợi. Nhờ sự cạnh tranh về giải pháp và giá cả.
Đó là quan điểm của mình. Còn bạn thì sao? Khung bình luận bên dưới là của bạn.
(Bài viết được cập nhật vào 27/08/2024)
GS chơi lớn thiệt
cũng hên xui thôi bạn