Sau khi bài viết mối nguy tiềm ẩn trong liên kết gang form được chia sẻ, mình đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ anh em đồng nghiệp.
Không biết bạn có note ra được dòng lưu ý nào trong sổ tay không?
Mình hi vọng bài viết ít ra cũng đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.
Và ở đây, sẽ tiếp nối nguồn cảm hứng đó: Cảnh báo các nguy cơ mất an toàn.
Còn nhớ, bài trước đã dừng lại ở liên kết tai cẩu… giờ thì chúng ta sẽ nói nhiều hơn về nó.
Nội dung chính:
Tai cẩu gang form là gì?
Tên tiếng Anh: Lifting bracket. Là một thành phần không thể thiếu của một mã cẩu gang form.
Dùng để móc cáp (ma ní) của cần trục tháp khi cẩu lắp, tháo dỡ gang form. Được chế tạo bằng thép cường độ cao có đường kính từ 22mm và hàn đính trên hệ thanh dọc.
Giúp gang form giữ thăng bằng và thẳng đứng khi lắp dựng.
Trong việc đảm bảo an toàn thi công gang form thì tai cẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy cần được gia công đúng chuẩn.
Cụ thể, tiêu chuẩn về gang form KOSHA CODE C-17-2005 của Hàn Quốc có quy định:
Theo đó:
- Bán kính uốn cong phải đạt tối thiểu 150mm.
- Khi hàn vào các thanh Solger của gang form với độ dài mỗi đường hàn lớn hơn 25mm, ít nhất có 3 điểm hàn.
- Và đặc biệt, chiều dài tai cẩu phải căn cứ trên chiều dài của tấm gang form chính.
Để gia cường và tăng tính ổn định của tai cẩu gang form, vài nhà thầu ở Hàn Quốc đã sử dụng thêm thiết bị bổ trợ.
Một thiết bị chống rơi khác:
Tại Việt Nam, có một số công trường đã chọn cách gia cường bằng cáp.
Mình sẽ giới thiệu chi tiết hơn về các thiết bị phụ trợ này ở một bài viết khác.
Tai cẩu gang form, vấn đề tồn tại
Công tác hàn tai cẩu vào khung gang form được thực hiện thủ công.
Từ quy cách, kích thước, số lượng đường hàn đến vị trí, số lượng tai cẩu trên một khung gang form (mã cẩu) đều dựa theo kinh nghiệm.
Chưa kể có rất nhiều trường hợp thiếu tai cẩu hay chia nhỏ khung, anh em công nhân phải tự hàn thêm vào.
Do đó khó tránh khỏi các sai sót.
Theo quan điểm của mình khi gia công tai cẩu gang form cần lưu ý các vấn đề sau:
#1. Khoảng dư của tai cẩu
Là vị trí kết nối giữa móc cẩu (hook) và tai cẩu gang form. Có nhiều trường hợp vì khoảng dư quá lớn nên khi dựng tấm gang form làm cong vênh, hư hỏng tai cẩu.
Thậm chí là đứt gãy đột ngột.
Mặc dù không có quy định chi tiết về chiều dài này nhưng theo tìm hiểu của mình nên từ 150 – 200mm.
Đối với các tấm gang form có tai cẩu quá khổ, khi vận chuyển (từ xe, bãi gia công ngoài bán kính nâng), cần đặc biệt lưu ý.
Thay vì móc cáp vào tai cẩu nên buộc vào hệ bracket của gang form.
Khi tai cẩu gang form có đặc điểm như vậy, có thể gia công lại vị trí mới.
Dưới đây là cách mà một số đơn vị đã thực hiện:
Hàn chập đôi 2 tai cẩu:
Gia cố thêm bằng thanh thép dọc:
Hoặc có biện pháp xử lý hiện trường:
Hình trên là minh họa cho trường hợp công nhân hỗ trợ khi mã cẩu nằm ngoài bán kính nâng.
Trong lúc dựng tấm gang form có tai cẩu dài, công nhân có thể dùng cách tương tự để giảm tải cho cẩu.
Tuy nhiên, cách xử lý này không được khuyến cáo vì liên quan đến an toàn.
#2. Số lượng tai cẩu trên một mã cẩu
Thông thường mỗi mã cẩu có 2 tai cẩu.
Đối với các khung gang form có chiều dài lớn, số lượng tai cẩu có thể nhiều hơn.
Đồng nghĩa phải tăng số lượng cáp khi cẩu. Chắc chắn điều này ít ai mong muốn.
Theo hiểu biết của mình, đa số các công trường chỉ sử dụng 2 trong số nhiều tai cẩu được bố trí. Dĩ nhiên, nếu không có kinh nghiệm sẽ gây ra một số phiền toái.
Tai cẩu bị biến dạng là một ví dụ.
Do khi cẩu đã móc vào 2 tai cẩu ngoài cùng, nếu cáp không đủ dài sẽ tạo ra lực kéo ngang rất lớn làm cong vênh tai cẩu.
Với một số tài liệu mình tìm hiểu, chưa có thông tin chính xác nào nói về số lượng tai cẩu trên một khung gang form. Cũng như tính toán sức chịu tải của chúng.
Theo quan điểm của mình, bố trí nhiều hơn 2 tai cẩu nhằm mục đích đảm bảo tính thăng bằng khi cẩu.
Và cũng chưa có ghi nhận nào về sự cố liên quan đến việc không móc đủ số lượng tai cẩu trên khung.
#3. Tai cẩu gang form không thăng bằng
Nói cách khác là cẩu gang form bị lệch. Hiện tượng này thường xuyên gặp phải.
Có thể nói, để bố trí tai cẩu cân bằng trọng lượng mã cẩu là vô cùng khó.
Bởi số lượng các thanh bracket dọc ngang, các thành phần cấu tạo và lỗ chờ ô cửa không theo một mô đun nào. Chưa kể tai cẩu còn phụ thuộc vào vị trí các thanh dọc.
Cách xử lý tốt nhất khi gang form không thăng bằng là bổ sung thêm ma ní khi cẩu.
Có thể gắn thêm 1, 2 hoặc vài ma ní tùy theo mức độ chênh lệch.
Và nên đánh dấu (bôi sơn) tai cẩu cần bổ sung để nhận biết cho những lần cẩu sau đó.
Bất đắc dĩ cũng có thể gia công thêm tai cẩu mới để thăng bằng mã cẩu.
Lời kết
Cẩu gang form bị lệch, tai cẩu quá dài hay bố trí không hợp lý là hiện trạng thường xuyên xảy ra khi thi công gang form. Tuy nhiên không phải ai cũng có cách giải quyết hiệu quả.
Trong một số trường hợp cần phải có sự can thiệp của đơn vị cung ứng gang form nếu như nguyên nhân xuất phát từ công tác sản xuất.
Hi vọng những thông tin trong bài viết tiếp tục nhận được hiệu ứng tốt từ bạn.
(Bài viết được cập nhật vào 27/08/2024)
Các tình trạng này vin gặp rất nhiều
Đúng rồi bác